Home | The Call | About VAORRC | Lawsuit | Petition | Newsletters | News | Educational Materials | Links | Contact

Cập nhật  14:48 ngày 17-03-2006      

Giới khoa học quốc tế ủng hộ nạn nhân dioxin Việt Nam

Reprint from Tuổi trẻ &
Người Lao Động

An International Scientific Conference convened in Hanoi on March 16 and 17 with more than 150 scientists and organizers from 11 countries (Australia, Denmark, Germany, South Korea, Sweden, U.S., Russia,...) will send a letter to the U.S. Court of Appeals for the victims of Agent Orange in Vietnam.

According to Annika Johasson, Karolinska Institute of Sweden, the dioxin in the blood samples from Bien Hoa is about 145 times higher than those found in Hanoi.

 

 

 

 

Giáp Thị Giang (bên phải): “Cầu chúc mọi người may mắn và hạnh phúc”.

Hội nghị khoa học quốc tế "Nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam - những điều mong muốn" diễn ra tại Hà Nội từ 16 đến 17-3. Hơn 150 nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội từ 11 nước tham dự hội nghị sẽ gửi một bức thư tới tòa án phúc thẩm Mỹ - nơi sẽ xét xử phúc thẩm vụ kiện của các nạn nhân dioxin Việt Nam.

“Chúng tôi đã dự định mời khoảng 100 nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đến tham dự hội thảo, nhưng càng gần ngày diễn ra hội thảo lại càng có thêm nhiều người mong muốn được tham dự và chúng tôi đã quyết định mời... gấp đôi dự định” - bà Lê Thị Nhâm Tuyết, Giám đốc TT Nghiên cứu giới - gia đình và môi trường trong phát triển, đã nói tại Hội thảo như vậy.

Chuyện của vợ người cựu binh

Bà Debra: "Được mời đến Việt Nam, tôi nghĩ rằng ít ra thì mình cũng có thể gặp được những người mà mình rất muốn giúp đỡ và chia sẻ. Khi bắt đầu có ý tưởng đến Việt Nam, có người nói với tôi rằng người Việt Nam rất nhạy cảm nếu một người ở hoàn cảnh như tôi đề cập đến dioxin. Nhưng tôi không nghĩ vậy.Mỹ đang tiếp tục cuộc chiến ở Iraq. Chất uranium đang được sử dụng và những hậu quả mà chất độc này gây ra to lớn không kém dioxin. Không thể nhìn thấy điều đó mà không nói gì. Nếu không có ai đó để nói về sai lầm, thì sai lầm sẽ nối tiếp những sai lầm, và hậu quả sẽ thật khủng khiếp đối với những nạn nhân."

Câu chuyện xúc động nhất trong buổi làm việc đầu tiên của hội thảo là của bà Debra - một họa sĩ, nghệ sĩ sắp đặt: “Chồng tôi, Peter Charles Kraus, là trung sĩ nhất quân đội Hoa Kỳ. Anh ấy sang Việt Nam năm 1965 trong vòng sáu tháng và trở về, ốm yếu vì dioxin. Chúng tôi lấy nhau khi anh đã trở bệnh. Trong vòng 12 năm, chúng tôi tìm mọi cách kéo dài thời gian chiến đấu với bệnh tật, nhưng cuối cùng thì chồng tôi ra đi vì ung thư phổi. Chồng tôi hầu như không kể gì về chiến tranh, chỉ biết rằng anh ấy đã từng thấy rất nhiều người chết. Còn tôi thì phải chứng kiến chồng tôi ra đi từ từ. Tôi không quên nổi hình ảnh đó. Rất nhiều người khác nữa cũng chết và tiếp tục chết vì dioxin. Tôi không thể ngồi đó nhìn, cần phải nói lên cho cả thế giới này biết.

Tôi mất hai năm rưỡi để phục hồi sau nỗi đau mất chồng. Tôi gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban phụ trách các vấn đề cựu chiến binh. Sau rất nhiều nỗ lực, tôi cũng đã buộc chính phủ phải thừa nhận rằng cái chết của chồng tôi là do dioxin gây ra. Chính phủ đã bồi thường cho tôi. Khoản tiền đó tôi dùng để nghiên cứu về những tác hại của dioxin và theo đuổi dự án tuyên truyền về chất độc da cam thông qua triển lãm nghệ thuật, bắt đầu từ năm 1999. Kèm theo đó là những buổi nói chuyện về ảnh hưởng của chất độc da cam đến toàn bộ sự sống. Tôi thường nói rằng con người ở rất nhiều quốc gia từng tham chiến như Việt Nam, New Zealand, Australia, Pháp, Anh, Canada... bị ảnh hưởng bởi dioxin, và rằng hàng chục năm qua chất diệt cỏ có chứa dioxin vẫn không ngừng được sử dụng và hủy hoại môi trường, động vật và con người”.

86 triệu lít chất độc hóa học?

Cuộc hội thảo dường như nóng lên sau báo cáo của TS Lê Kế Sơn, chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

Theo ông Sơn, những nghiên cứu mới đây của cả các nhà khoa học quốc tế và trong nước cho thấy trong những năm chiến tranh quân đội Mỹ có thể đã rải đến 86 triệu lít chất độc hóa học lên lãnh thổ Việt Nam, lớn hơn nhiều so với thống kê trước đây (khoảng 72 triệu lít). Chưa kể, lượng dioxin trong các nghiên cứu mới nhất cũng lớn hơn nhiều. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện những tổn thương về gen và nhiễm sắc thể ở những người bị phơi nhiễm dioxin và đây là nguyên nhân dẫn đến dị tật ở con cái họ và các thế hệ tiếp sau.

“Rõ ràng tỷ lệ trẻ dị tật ở những vùng bị rải chất độc hóa học cao hơn hẳn những vùng khác. Chứng minh bệnh tật đó là do dioxin cần phải có những nghiên cứu cẩn trọng, nhưng những người từng sinh con khỏe mạnh, sau chiến tranh lại sinh con dị tật hoặc những người sinh 6-7 con bị dị tật thì đó là do phơi nhiễm dioxin chứ không phải nguyên nhân gì khác” - trao đổi bên lề hội thảo, ông Nguyễn Văn Tường (ĐH Y Hà Nội) bày tỏ.

Tuy nhiên trong danh sách 13 bệnh mà Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ đã công nhận có liên quan đến dioxin vẫn chưa có các dị tật bẩm sinh ở con cái cựu binh và rất, rất nhiều loại dị tật khác. Bởi như nhận định của GS Bernard Doray (Pháp), những nghiên cứu về dioxin đã bị xuyên tạc. Mới đây nhất, các nghiên cứu tại sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát vẫn cho thấy nồng độ dioxin cao gấp hàng trăm lần nồng độ cho phép. “Nhiệm vụ của chúng ta là tập trung làm rõ tác hại của dioxin” - GS Doray khẳng định.

Chúng ta và vợ người cựu binh sẽ phải tiếp tục cuộc đấu tranh cam go, nhất là tại phiên tranh tụng tháng tư tới đây tại Hoa Kỳ, trong đó quan trọng nhất là các chứng cứ khoa học chứng minh sự liên quan giữa dioxin đến bệnh tật của hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, và hội thảo này là một trong những cuộc đấu tranh ngoài phiên tòa. Nhưng chúng tôi tin là kết thúc sẽ có hậu bởi ngay nạn nhân, những người đau khổ nhất, vẫn luôn luôn hy vọng.

Kết thúc buổi làm việc sáng qua, tiếng vỗ tay vang dội đã kéo dài suốt mấy phút đồng hồ bởi bài phát biểu thật lưu loát và trôi chảy bằng tiếng Anh của Giáp Thị Giang, một nạn nhân chất độc da cam đang sống ở Làng hữu nghị Vân Canh. Giang và chị gái Giáp Thị Hương đã sống hơn một năm ở làng, gắn liền với chiếc xe lăn có nẹp lên tận đầu bởi chị em cô bị chứng teo cơ tiến triển, không tự ngồi chứ chưa nói đến đứng và đi lại được. Trong khi trước đó Giang và chị gái đều đã được đi học, đều xinh xắn như bao bạn gái bình thường khác. Nhưng thật bất ngờ Giang rất hoạt bát và vui vẻ, cô đang sống những ngày tháng tuổi trẻ giống hệt như các bạn cùng trang lứa. Bởi cô còn hy vọng, như lời chúc của cô sáng qua với mọi người: “Cầu chúc mọi người may mắn và hạnh phúc”.

• HÀM LƯỢNG DIOXIN Ở VIỆT NAM LỚN HƠN SỐ LIỆU TỪNG CÔNG BỐ

Hội thảo khoa học quốc tế “Nạn nhân chất độc da cam dioxin VN -Những điều mong muốn” do Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường tổ chức đã khai mạc 16-3 tại Hà Nội. Các nhà khoa học Úc, Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Thụy Điển, Nga, VN đã chia sẻ và phân tích những tác hại của chất độc này tới sức khỏe và môi trường của con người VN. Theo bà Annika Johasson, Phân viện quốc tế về sức khỏe – Viện Karolinska (Thụy Điển), phân tích mẫu máu người ở Biên Hòa, một trong những căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam trước đây cho thấy nồng độ dioxin lên tới 271 phần tỉ so với nồng độ dioxin là 2 phần tỉ trong mẫu máu người ở Hà Nội-nơi mà chất độc da cam không được sử dụng. Đặc biệt, dioxin tích tụ trong sữa mẹ có thể khiến trẻ hấp thụ tới 95% trong quá trình nuôi dưỡng. Môt thông tin khác được bà Annika Johasson đưa ra là, hàm lượng dioxin đã được rải xuống miền Nam VN có thể lên đến 600kg, lớn hơn gấp vài lần so với số liệu vẫn được nói đến hàng chục năm qua là 170kg.
(Người Lao Động 14/03/2006)

Vietnam Agent Orange Relief & Responsibility Campaign | info@vn-agentorange.org | P.O. Box 303, Prince Street, New York, NY 10012-0006